Điện thờ tư gia
Điện thờ tư gia không quá xa lạ với những ai theo tín ngưỡng thờ tứ phủ hay hầu thánh. Tuy nhiên không phải ai cũng biết điện này được thiết kế như thế nào, thờ những ai, ai là người có thể lập điện thờ tư gia, cách lập và thờ cúng như thế nào cho chuẩn. Vậy hãy cùng nhà thờ họ tìm hiểu nội dung dưới đây của bài viết.
Điện thờ tư gia là gì?
Điện thờ tư gia là nơi thờ phụng vua chúa, Thánh, Mẫu, Phật, Trần Triều, Tam tứ phủ cùng nhiều vị thần nổi tiếng khác trong tín ngưỡng thờ cúng tâm linh của người Việt. Điện thờ có quy mô lớn hơn miếu nhưng nhỏ hơn Đền và phủ.
Các yếu tố cần có khi lập điện thờ tư gia
Những người có căn số hợp với nhà thánh mới và lòng mộ đạo mới có thể lập điện thờ tư gia. Người lập điện ít nhất đã trải qua nghi thức trình đồng mở phủ và đã là Thanh đồng. Ngoại lệ, có trường hợp đồng nối tự lập điện theo chỉ dạy của mẹ cha. Người lập điện phải có thời gian gắn bó hiểu biết về tín ngưỡng tôn giáo thờ Tứ phủ và các nghi thức lễ nghĩa thờ cúng.
Khi có ý định lập điện, thanh đồng cần cân nhắc thật cẩn trọng, vì theo lễ thì dễ nhưng giữ lễ thì khó. Sau khi lập điện thanh đồng phải giữ gìn phép tắc, lễ nghi, không được tự ý bỏ. Tuy không cần quá cầu kỳ nhưng luôn phải đủ thiết lễ, mùng 1 hôm rằm. Hàng ngày, thanh đồng cần dâng nước, lên hương, sáng thỉnh chuông, chiều đến bái chuông. Ít nhất, một năm hai lần hầu đồng.
Cần cân nhắc cẩn thận về người kế tục khi già. Vì nếu không có người kế tục thì phải giải điện. Mà như nhà thờ họ đã nói ở trên, việc lập điện chính là mời thánh thần tới nhà nhưng giải điện giống như đuổi thần phật đi. Vì thế việc giải điện ít nhiều cũng ảnh hưởng không tốt cho tín chủ về sau.
Đặc biệt, khi thanh đồng muốn tôn cất lập thờ (gọi tắt là lập điện) cần được nhà Ngài báo trước. Tùy duyên của mỗi người, mà nhà ngài sẽ báo bằng những cách khác nhau.
- Có người mơ thấy ngài chỉ điểm rõ nét.
- Có người xem bói cô đồng nhìn ra.
- Thậm chí có người còn được báo rõ ngày giờ khởi công…
Tuy được báo với cách khác nhau, nhưng điểm chung là họ đều nhìn thấy bản điện có bao nhiêu bát hương, thờ ai và cấu trúc như thế nào…..
Cách chọn vị trí lập điện thờ tư gia
Việc tôn cấp lập điện thờ không đơn giản như việc chúng ta bốc bát hương gia tiên tiền tổ thông thường, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, phong thuỷ, hướng và đặc biệt là chỉ người có duyên mới làm được. Sau đây, nhà thờ họ xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi chọn địa điểm để lập bản điện tại gia như sau:
Khi thanh đồng có ý định lập điện thì phải tìm một vị trí lập điện thờ tại gia thích hợp, tùy theo hoàn cảnh để chọn vị trí to, nhỏ, rộng hẹp tùy ý. Nếu được nhà ngài báo có thể soi bói, thì nên xây điện rộng rãi một chút. Còn nếu gia chủ chỉ thờ để yên bản mệnh, thì có thể làm hẹp hơn, miễn là gọn gàng sạch sẽ.
Đặc biệt, vị trí thờ phụng cần hợp với phong thủy của ngôi nhà, và đảm bảo những yếu tố
- Khu đất sạch sẽ, cao ráo. Nếu là khu chăn nuôi cũ, thì phải được dọn dẹp sạch sẽ, hót hết đất đổ đi, tẩy uế, sau đó đổ cát mới vào….
- Không được làm điện trên bếp. Ví dụ, tầng dưới là bếp đun thì tầng trên ta không được thờ điện. Còn bếp nấu ở tầng 1 thì, điện thờ phải đặt ở tầng 3 (cách tầng 2) thì được.
- Không được đặt điện dưới dầm nhà hoặc để dầm nhà cắt ngang bản điện. Ví dụ: Tầng dưới có dầm mái, tầng trên muốn thờ điện thì cần tránh để dầm cắt qua chia đôi bản điện. Ngược lại, tầng trên có dầm mái thì gia chủ cũng không đặt điện phía dưới nếu dầm cắt ngang chia đôi bản điện.
- Không thiết kế cửa bản điện thờ đối diện với bất cứ cửa nào trong nhà. Và không được thờ ngược hướng với ngôi nhà
- Nếu hướng bàn thờ so với mệnh cung của thanh đồng rơi vào các hướng tương sinh theo ngũ hành như: sinh khí, thiên y, phục vị, phúc đức là tốt nhất.
Cách bố trí điện thờ tư gia
Sau khi thanh đồng đã chọn được địa điểm để tôn cất lập thờ thì sẽ bắt đầu tiến hành hoạch định và bố trí bản điện. Tính toán xem điện thờ bao nhiêu bát hương để xây bệ thờ hoặc đóng bàn thờ cho phù hợp.
Trong quá trình xây bệ thờ ta cần chọn kích thước chiều cao, chiều rộng, dài, ngang đều phải thuộc vào những cung đẹp. Thường thường cấu trúc của bản điện tính theo người đứng ngoài nhìn quay mặt vào bản điện thì:
– Ở giữa là chính cung: thờ hội đồng Tứ Phủ (gọi tắt là Công Đồng). Trên công đồng có rất nhiều bát hương, nhưng bắt buộc phải có 3 bát hương là:
- Bát hương thờ Đại chuẩn đề Minh Vương Bồ Tát, hoặc thờ chung hội đồng nhà Phật.
- Bát hương thờ Tam tòa Thánh Mẫu
- Bát hương thờ Tứ phủ Công Đồng, bát hương này thường to hơn các bát hương khác trong bản điện, thường là to nhất
Ngoài ba bát nhang chính thì tùy theo bản mệnh của thanh đồng mà quan thầy có thể bốc thêm một số bát hương như vua cha, cô, cậu, quan Hoàng…Trên công đồng này, cũng có thể để bát hương bản mệnh của người lập điện.
– Bên tay phải là cung thờ hội đồng Trần Triều. Số lượng bát hương ở cung này tùy theo quan thầy sắp xếp:
- Có nhà chỉ thờ chung 1 bát hương cho cả Hội đồng nhà Trần.
- Có thanh đồng sát nhà Trần, thì phải thờ thêm những bát hương khác nữa trong hội đồng nhà Trần hoặc bát hương bản mệnh của thanh đồng.
– Bên tay trái thờ các chúa, tướng, thập nhị tiên nàng và sơn lâm sơn trang. Cung này có số lượng bát hương tùy theo quan thầy.
- Nhưng bắt buộc phải có 1 bát nhang chính thờ sơn trang
- Còn lại tùy theo bản mệnh gia chủ để bốc thêm một số bát hương. Ví dụ: chầu Bà, chúa bói… Cũng có quan thầy để bát hương bản mệnh của gia chủ tại đây.
– Phía dưới bản điện, bên dưới công đồng… thờ ngũ hổ
- Ở dưới này bắt buộc đặt 1 bát nhang thờ ngũ hổ thần tướng.
- Nói là bát hương thờ ngũ hổ nhưng khi sắp lễ người thờ vẫn thường sắp 7 xuất, nghĩa: có thanh Xà, Bạch Xà, một xanh, một trắng gọi là 2 ông xà, cùng với 5 ông hổ.
- Vì đây là bát hương ở dưới cùng bảo vệ bản điện nên gọi là hạ ban. Nhưng thực chất, thì hai ông xà được treo ở phía trên và đầu ngoảnh vào trong.
- Về bát hương ở khu vực này, ta có người còn bốc thêm cả bát hương thờ thổ địa.
– Bên phía ngoài thờ Mẫu Cửu
- Ở khu vực này chỉ có 1 bát hương duy nhất thờ Thánh Mẫu Cửu Trùng Thiên – Thanh Vân cung chủ.
- Cũng có những người khi xây bệ thờ sẽ đặt bàn thờ thánh Mẫu ở trên, phía dưới thờ thổ địa.
Phân cấp độ bát hương trên bệ thờ
Trên bệ thờ người ta thường tôn cao bát hương theo từng cấp độ khác nhau. Có thể là 3 cấp hay 5 cấp.
– Ở hệ 3 cấp:
- Cấp 1 cao nhất là bát hương thờ Phật
- Thứ hai là bát hương Thánh Mẫu
- Thứ ba là bát nhang thờ Công đồng
– Ở hệ 5 cấp có nhiều quan điểm khác nhau và có phần khó bày trí hơn.
- Cao nhất vẫn là bát nhang thờ Phật.
- Thứ hai là thờ vua cha. Ở bệ này có quan thầy thờ vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế. Nhưng cũng có người thờ tam tòa vua cha, nghĩa là 3 vua thiên, địa, thủy.
- Tiếp theo, thờ tam tòa Thánh Mẫu.
- Cấp thứ tư thờ Ngũ vị Tôn ông (5 vị quan). Hay Chúa bản đền, Tứ phủ Thánh Hoàng. Tùy duyên, tùy Phước của từng gia chủ để lựa chọn bát hương thờ hợp lý.
- Cấp thứ 5 cuối cùng liền với mặt sàn là cấp thờ Tứ phủ Công Đồng. Bát hương này vô cùng quan trọng, vì nó có cả hội đồng các bóng, các giá. Khi thờ chung một bát hương cần chọn bát hương to để thuận tiện và dễ dàng hơn khi thắp hương. Nên thắp 5 nén ở bát hương này thay vì 1 hoặc 3 nén.
Cách bốc bát hương điện thờ tư gia
Chuẩn bị bát hương và cốt bát hương: Gia chủ cần chuẩn bị bát hương trên ban công đồng, sơn trang, trần triều,… Đặc biệt bát hương công đồng to hơn so với các bát hương còn lại. Trước khi tiến hành bốc bát hương thanh đồng nên kiểm tra kỹ lại bát hương xem có bị sứt mẻ, nứt vỡ không. Nếu không sao thì rửa sạch, tẩy ố. Trước khi bốc thì lót giấy trang kim quang bát hương. Khi bốc đặt tờ lệnh và cốt thất bảo, cho nếp vào bên trong bát hương.
Cách thức bốc bát hương tại điện thờ tư gia: Thanh đồng khi lập điện cần nhờ thầy của mình bốc bát hương giúp. Khi làm lễ Thầy sẽ thắp nến và thỉnh chuông ba tiếng. Sau đó, thắp 5 nén nhang và trì chú vào bát hương để thánh về nhập vào bát hương.
Lần lượt bốc đủ số lượng bát hương dự định thờ. Khi bốc đủ sẽ tiến hành đặt bát hương vào nơi thờ cúng. Nếu điện xây cao, cần phải trèo lên điện để đặt bát hương thì người được trèo lên phải thay quần áo khác thật gọn gàng sạch sẽ, quấn và buộc 2 bàn chân bằng túi ni lông mới được trèo lên bản điện.
Khi đặt bát hương, gia chủ nhớ ngắm cho ngay ngắn, thẳng hàng, mặt Nguyệt phải quay ra ngoài. Khi đã đặt xong, tiến hành bài trí các vật phẩm chóe nước, mâm bồng, đèn trang trí, lọ hoa, treo nón công đồng theo thứ tự nón mẫu, quan lớn, nón công đồng chính giữa, nón tứ phủ chầu bà, tứ phủ ông hoàng, tứ phủ thánh cô, thánh cậu lần lượt từ trong ra ngoài.
Tiếp đến tiến lễ lên công đồng. Tiến lễ xong, Pháp sư sẽ khoa thỉnh Phật. Lúc này bát nhang chưa có linh khí, trên miệng mỗi bát vẫn có bùa để trừ tà, cho nên không cần thắp hương trong mỗi bát hương.
Khi cúng Phật xong, Pháp sư sẽ mở bỏ lá bùa trừ tà và niệm câu thần chú, mời vị Thánh tương ứng với từng bát hương về nhập vào bát hương. Trì chú xong là hoàn thành việc rước thánh về thờ tại nhà.
Lưu ý khi lập điện thờ tư gia
– Điện thờ tư gia không cần bài trí xa hoa, tráng lệ nhưng nhất thiết phải trang nghiêm tôn kính, sạch sẽ, thoáng đãng.
– Việc thờ điện cần phải thành tâm, không phải cứ rước đủ tam tòa thánh mẫu, ông hoàng, tiên cô, thánh cậu, ngũ vị tôn quan, quan hổ, quan xà mới là đầy đủ. Nếu bạn thành tâm thì chỉ cần bố trí một pho tượng vị thánh – Mẫu Liễu Hạnh cũng đủ. Thậm chí, khi bốc bát hương chỉ cần thỉnh những vị đại diện là được.
– Việc thỉnh tượng thánh làm bàn thờ thêm trang trọng hơn. Nếu không có điều kiện thì thỉnh tranh hoặc thờ lô nhang, bài vị, long ngai, cũng vẫn lịch sự, đàng hoàng.
– Lập điện tại gia cũng cần quan tâm vị trí thờ riêng hay thờ chung với đất ở để có cách bố trí hợp lý.
– Nếu có điều kiện có thể làm lễ rước tượng từ đền nào đó về điện tại gia là tốt. Nếu không chỉ cần bốc bát nhang ghi rõ duệ hiệu các vị Thánh là được.
– Sau khi bốc xong bát nhang nào đó, gia chủ cần đánh dấu, ghi rõ bát hương thờ vị nào để tránh việc nhầm lẫn trong khi đặt và khấn vái…
– Bát nhang khi chưa làm chú thỉnh phật về thì phải . đặt một tờ bùa trừ tà ma trên miệng bát hương để tránh tà ma ngoại đạo thâm nhập vào bát hương trước.
Văn khấn điện tại gia như thế nào?
Bài khấn bài khấn bốc bát hương thờ điện
Thanh đồng con tên là…. tuổi…. Nay nhất tâm thờ Phật tại gia, thờ Thánh trong nhà, xin thiết lập lô nhang….. ( bốc bát hương nào thì khấn tên bát hương đó)….
Con xin….
Cho con xin bốc TÀI…. cho con xin bốc LỘC… Cứ như thế cho đến khi được bốc số lẻ… mà đầy bát hương là được. Tuyệt đối không được lèn chặt tro, trong bát hương.
Văn khấn tam phủ, tứ phủ
Bài này văn khấn dưới đây dành cho các thanh đồng và đồng thầy. Nếu người không đi lễ thường xuyên thì không nên khấn vì khấn ấp úng sẽ không kết nối được âm dương.
Con niệm Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
– Con lạy chín phương Trời, con lạy mười phương Đất, con lạy mười phương chư Phật, chư Phật mười phương,
– Nam Mô Bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
– Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
– Nam Mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật.
– Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.
Con Lạy Chư Đại Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng. Hộ Pháp Chư Thiên, Thiện Thần Bồ Tát.
– Con lạy Tam Vị Đức Vua Cha Đức Tam Thập Tam Thiên Thiên Chúa Đế Thích Đề Hoàn Nhân Thánh Đế Ngọc Bệ Hạ
Con Lạy Hiệu Thiên chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Huyền Cung Đại Đế Ngọc Điện Hạ.
Con lạy Đức Phật Mẫu Hoàng Thiên
Con Lạy Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình Thủy Quốc Long Vương.
-Con lạy Tam Tòa Thánh Mẫu:
Con Lạy Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
Con Lạy Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Con Lạy Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
Con Lạy Mẫu Đệ Tứ Khâm Sai
Con Lạy Hội Đồng Quan Tứ Trụ Triều Đình
Con Lạy Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh hội Đồng Tiên Thánh Đông A Phủ.
-Con lạy Trần Triều Hiển Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Con lạy Trần Triều Khải Thánh Vương Phụ, Vương Mẫu, Vương Phi Phu Nhân,
Trần Triều Vương Huynh, Vương Đệ. Vương Tử ,Vương Tế, Vương Nữ Vương Tôn
Con Lạy văn võ bá quan quân thần trần triều
Con lạy Tam Tòa chúa bói –Hội đồng Chúa bói Chúa chữa Chúa Mán Chúa Mường
Con Lạy Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
Chúa Đệ Tam Lâm Thao
Tiên Chúa Thác Bờ
Con Lạy Ngũ Phương Bản Cảnh Vũ Quận Bạch Hoa -Năm Phương Chúa Bà
-Con lạy Ngũ Vị Vương Quan, Tôn Quan Đệ Nhất Thượng Thiên , Tôn quan Đệ Nhị Giám Sát, Tôn Quan Đệ Tam Thoải Phủ, Tôn quan Đệ Tứ Khâm Sai, Tôn Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh.
Con lạy Tôn Quan Điều Thất.
-Con cung thỉnh mời Tứ Phủ Chầu Bà:
Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông
Chầu Đệ Tam Thoải Phủ
Chầu Đệ Tứ Khâm Sai
Chầu Năm Suối Lân
Chầu Lục Cung Nương
Chầu Bảy Tiên La
Chầu Bát Nàn Đông Nhung Đại Tướng Quân
Chầu Cửu Sòng Sơn
Chầu Mười Đồng Mỏ
Con lạy Hội Đồng Chầu Bé-Con Lạy Chầu Bé Thượng Ngàn Quyền Cai Bắc Lệ
-Con cung thỉnh mời Tứ Phủ Thánh Hoàng, thập vị quan Hoàng: Quan Hoàng Quận, Quan Hoàng Đôi Triệu Tường, Quan Hoàng Bơ Thoải Cung, Quan Hoàng Tư Thủy Phủ, Quan Hoàng Năm, Quan Hoàng Sáu, Quan Hoàng Bảy Bảo Hà, Quan Hoàng Tám, Quan Hoàng Chín, Quan Hoàng Mười.
Con lạy 36 tòa Sơn Trang, Tám Tướng Thập Nhị Tiên Nàng
-Con lạy Tứ Phủ Thánh Cô
Con xin kính lạy Cô Nhất Thượng Thiên- Cô Cả đền Dùm
Con lạy Cô đôi Thượng Ngàn
Cô bơ Thoải, con lạy Cô Tư Ỷ La, Cô Năm Suối Lân, Cô Sáu Lục Cung, Cô bảy Tân La, cô Tám Đồi Chè, Cô chín Sòng Sơn, Cô Mười Đổng Mỏ, Hội đồng cô bé, Con Lạy Cô Bé Thượng ngàn, cô bé Thoải. con lạy cô Bé Bản Đền (bản điện), Con lạy Tứ Phủ Thánh Cậu trên Ngàn dưới Thoải,
Con lạy Cậu đệ nhất Hoàng Thiên, Cậu Hoàng Đôi Thượng Ngàn, Cậu Hoàng Ba Thoải, Cậu Hoàng Tư Long Thành, Con Lạy Cậu Bé Hoàng Thiên, Cậu Bé Thượng Ngàn, Cậu Quận Phủ Dầy, Cậu Đồi Ngang Phố Cát .Con lạy cậu bé bản Đền (Bản Điện).
– Con Lạy Hội Đồng Quan Ngũ Dinh, Đôi quan Thanh Xà Bạch Xà, Sơn Thần Bản Thổ Ngũ Hổ Thần Tướng-
– Con cung thỉnh mời chư vị Chúa Chầu các Quan thủ Đền thủ Điện, Chư vị Thành Hoàng Bản Thổ, Chư vị Thần thổ cư đồng ngự dải đất này.
-Đệ tử con tên là: …………. tuổi: ……….
Ngụ tại: ……………………………
Kim niên kim nguyệt cát nhật lương thời. Hôm nay ngày: … Tháng: … Năm:…
(Dâng gì cầu gì khấn nấy hoặc theo bài bên dưới)
Nhân …………..
Đệ tử con nhất tâm 1 lòng, nhất tòng 1 đạo, nhất tâm trí thiết, nhất dạ chí thành, đêm tưởng ngày mong, tu thiết hương, hoa, đăng, trà, quả, thực (mang miệng về tâu, mang đầu về bái), trên con tấu thượng thiên, dưới con đệ trình long cung thuỷ phủ cùng đồng gia quyến đăng cung phụng cửa đình thần tam tứ phủ ……………(tên đền) linh từ.
Mong trên cha độ, dưới mẫu thương, đèn trời đuốc biển soi đường dẫn lối, phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, vuốt ve che chở cho gia chung chúng con trong 3 tháng hè, 9 tháng đông, tai qua nạn khỏi- Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối được bình an vô sự, cửa nhà khang ninh, cầu danh đắc danh, cầu phúc đắc phúc, đắc tài sai lộc…… Dãi tấm lòng thành cúi xin Phật Thánh Chúa Tiên anh linh chứng giám!!!
-Cung thỉnh công đồng Lục Cung Tiên Tổ dòng họ ….. nguyên quán …..Tổ Cô Mãnh Tướng,cậu bé cô bé tại gia, chư vị tiên linh trong dòng họ theo hầu Phật Thánh cửa Đình Thần Tam Tứ Phủ, trên tấu tòa vàng Thượng Thiên , dưới tấu Thủy Cung Địa Phủ ,cho con cháu nhất một lòng, tòng một đạo Sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm…
Trên đây là các thông tin liên quan đến việc lập điện thờ tại nhà. Cảm ơn quý vị đã theo dõi bài viết của chúng tôi.